Đối với tôi cuộc sống hôn nhân gia đình giường như chỉ là nghĩ vụ mà trong đó tôi không thấy có tình yêu hay tình cảm như ngày đầu vợ chồng tôi bên nhau.
Một buổi chiều đi đón con, Thư gặp Hiền, vợ sếp, vừa cất tiếng chào, Hiền bật ra ngay như cái máy phát: “Anh Sơn, chồng chị khen em hết lời. Anh ấy nói em là người phụ nữ số một của gia đình, vừa đi làm, vừa đưa đón con cái, vừa đi chợ nấu ăn, lại biết ẩn mình để chồng phát triển sự nghiệp. Ảnh nói chị phải... theo gương em”. Nghe Hiền khen mà Thư chỉ gượng được một cái cười xã giao méo xệch.Quả thật, nhìn vào “vòng xoay” của Thư mỗi ngày, ai cũng chóng mặt: hơn 6 giờ sáng cô lao xe ra khỏi nhà, sau lưng là hai đứa con 8 tuổi, và 15 tuổi. Lượn một vòng, Thư thả đứa con lớn xuống cổng trường cấp hai rồi phóng đến trường tiểu học, lo cho con nhỏ ăn sáng xong mới cô vù đến cơ quan. 11 giờ tất tả đi chợ, nửa tiếng sau có mặt ở cổng trường đón con lớn, về đến nhà là tất bật nấu bữa ăn trưa, chuẩn bị luôn cả đồ ăn chiều. 13 giờ, kêu bé lớn thức dậy, con đi học, mẹ đi làm. 5 giờ chiều lại vòng xe đón hai con về nhà. Tối lại phải đưa bé nhỏ đi học năng khiếu, bé lớn đi học Anh văn… Những ngày cuối tuần Thư vẫn phải xoay như chong chóng với việc ủi đống quần áo, vệ sinh bếp, lau sàn, lau kính…
Thư xinh xắn nên dù đã ở tuổi 40 nhiều đàn ông quanh cô vẫn không giấu lòng ngưỡng mộ nhưng bao giờ cô cũng khéo léo chối từ. Nhìn cách Thư đi chợ, chọn món mà chồng con thích, nghe Thư dịu dàng với chồng, những người biết vợ chồng cô đều cho là Tuấn- chồng cô, tốt số và khen cô là người phụ nữ chu toàn.
Thực ra, bấy lâu Thư làm vợ, làm mẹ một cách chăm chỉ, tự nguyện nhưng đầy mệt mỏi, khắc khoải. Tất cả những gì cô làm dường như không bao giờ đủ để chồng cô hài lòng. Gần như ngày nào cô và các con cũng phải nghe Tuấn la rầy hay than phiền về vấn đề gì đó. Làm bất cứ việc gì mấy mẹ con cũng thầm thì nhắc nhau “coi chừng ba chửi”. Lâu lắm rồi, Thư chẳng biết thế nào là những cảm xúc, những rung động từ chồng mang lại. Tận sâu trong tâm, Thư không dám chắc là mình sẽ giữ mình được đến khi nào cho khỏi “rớt”. Cái khuôn phép, gia giáo của gia đình khiến cô chưa bao giờ dám nghĩ đến ai ngoài chồng mình nhưng giờ cô chỉ còn biết định nghĩa tình yêu của mình dành cho chồng là “tình yêu nghĩa vụ”.
Yêu thương nghĩa vụ không chỉ là tâm trạng của nữ giới mà không ít đàn ông cũng nặng lòng. Long, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản ở Cần Thơ đã phải tìm đến chuyên viên tư vấn để tìm cách cứu vãn tình cản của mình. Long kể, trong những chuyến công tác thời trai trẻ ở vùng Hậu Giang, anh kết thân với một thôn nữ tên Yến, sau vài lần “ăn cơm trước kẻng”, Yến có thai. Long vượt qua nhiều khó khăn để đường đường chính chính đón Yến về làm vợ với một tiệc cưới đủ để gia đình cô dâu nở mặt nở mày.
Dù chênh lệch về trình độ, gia cảnh nhưng hơn 20 năm qua, Long luôn tìm cách “nâng” vợ lên. Anh hướng dẫn Yến cách cư xử sao cho trọn vẹn với nhà chồng, cách giao dịch, làm ăn, cách điều phối công ty những lúc anh đi vắng. Trước những sai sót của vợ, Long đều tìm cách biện minh để khỏi phải nặng lời. Anh tâm sự: “Nhiều khi ra đường gặp đối tác đẹp hơn, thông minh hơn và có trình độ hơn vợ mình, tôi cũng ao ước “giá cuộc đời có lệnh undo” nhưng chưa bao giờ tôi cho phép mình làm trái đạo lý”. Trước lý giải của chuyên viên: “Đó chính là tình yêu sâu sắc anh dành cho vợ mà chính anh đã không nhận ra”, Long lắc đầu vì anh hiểu mình làm tất cả những điều đó bởi trách nhiệm và sĩ diện của mình chứ không hề xuất phát từ tình yêu.
Yêu thương nghĩa vụ, Tình yêu - Giới tính, Bạn trẻ - Cuộc sống, Chuyen gia dinh, gia dinh, tinh yeu, sau hon nhan, vo chong, viec nha, cham con, vo dam, dan ong, phu nu, trai tim, hanh phuc
Sự nhàm chán là nguyên nhân khiến tình yêu sau hôn nhân thiếu nồng nàn (Ảnh minh họa)
Từng có lần, Long gặp một nhân viên ngân hàng vừa thông minh, giàu nữ tính, vừa hiểu chuyện, luôn đón bắt được suy nghĩ, tâm trạng của anh nên anh như “bị sét đánh”. Long nói: “Tôi yêu người đó tha thiết nhưng lại càng thấy mình phải có trách nhiệm với vợ nhiều hơn”. Sau một thời gian khổ sở, day dứt, tình yêu trong anh lắng lại nhưng Long lại cảm thấy “không ổn” khi tiếp tục thương vợ bằng nghĩa vụ của một người chồng.
Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ Phạm Thị Thúy, chuyên viên tâm lý, giảng viên Học viện Hành chánh quốc gia phân tích: Yêu thương theo nghĩa vụ là thực trạng khá phổ biến hiện nay ở các gia đình. Đây cũng là quy luật bình thường của đời sống hôn nhân. Theo thời gian, tình yêu lắng dịu dần, phần nhiều người trong cuộc sống với nhau vì nghĩa, vì trách nhiệm. Thậm chí sự đơn điệu, nhàn nhạt của hôn nhân còn làm tình yêu bay từ chồng/vợ sang bồ/ bạn đồng nghiệp... Sự nhàm chán là nguyên nhân khiến tình yêu sau hôn nhân thiếu nồng nàn. Những gia đình có sóng gió và vượt qua được là những gia đình có nhiều cơ hội để tình yêu thăng hoa hơn là những gia đình quá êm ấm, không có sóng gió (sóng gió về kinh tế, về chuyện tình cảm, con cái...).
Dĩ nhiên, không ai muốn có sóng gió để tình yêu thêm bền chặt nên chỉ có giải pháp là mỗi người phải luôn biết tự làm mới lại cuộc hôn nhân của mình. Muốn đam mê nhau cả hai phải thường xuyên đổi mới để thu hút người kia, làm cho người kia luôn thấy mình có nhiều điều cần khám phá. Hãy thể hiện tình yêu bằng cách đáp ứng nhu cầu thực sự của vợ hoặc chồng: nhu cầu tình cảm như âu yếm, quan tâm, khen ngợi, giúp đỡ, kể cả sự thỏa mãn về nhu cầu sinh lý.
Nuôi dưỡng tình yêu sau hôn nhân là một thách thức. Vợ chồng cần học cách nhìn điểm tốt của nhau, tôn trọng nhau, làm mới bản thân, làm mới cuộc sống chăn gối... Học cách yêu sau hôn nhân, học cách vì nhau sau hôn nhân khó hơn trước hôn nhân rất nhiều nhưng thành quả của nó cũng rất đáng để mọi người phải cố gắng: sự mặn nồng thực sự của một tình yêu chín muồi và nhiều ràng buộc, nhiều chia sẻ...
Nuôi dưỡng tình yêu từ bạn đời không khó bằng nuôi dưỡng tình yêu trong chính trái tim mình. Đầu tư cho tâm hồn mình luôn tươi mới, tràn đầy năng lượng, vui sống... thì bạn mới có thể nhìn thấy điểm mới, điểm đáng yêu ở bạn đời... để yêu họ nhiều hơn.